CEO OMIcare
Trần Quốc Dũng
Kiến thức chuyên môn, kết hợp với dữ liệu y tế cá nhân và sự giám sát sẽ là chìa khoá để phổ biến rộng rãi, bình thường hoá y học dự phòng.
Kính chào quý độc giả!
Tính đến nay, tôi đã có thời gian sinh sống và làm việc ở Nhật Bản 15 năm. Tôi đã thành lập doanh nghiệp tại Nhật và làm việc chuyên sâu trong lĩnh vực HealthCare ICT của Nhật trong suốt 10 năm qua. Một lần tình cờ, tôi đọc được vài dòng tâm sự của một bác sĩ nổi tiếng tại Nhật, người đã có 36 năm kinh nghiệm trong quá trình nghiên cứu, khám và chữa bệnh trực tiếp cho rất nhiều người.
“...Suốt những năm học ở Mỹ và quay trở về Nhật làm bác sĩ, tôi những tưởng sự cố gắng của chúng tôi, những người bác sĩ tìm ra được phương pháp chữa trị tốt, sẽ giúp cho số người mắc bệnh giảm và giúp cho mọi người khoẻ mạnh. Nhưng thực tế không phải như vậy, số người có vấn đề về huyết áp vẫn tăng, bệnh nhân tiểu đường, tim mạch và ung thư.. vẫn tăng bất chấp sự cố gắng của chúng tôi.
Từ lâu, nền y học Nhật Bản đã dựa trên việc “Xét nghiệm sớm, chữa bệnh sớm” nhưng xét cho cùng, xét nghiệm chỉ là cách chứng thực người đó có bị bệnh hay không? Nó không có tác dụng ngăn ngừa người ta mắc bệnh. Năm nay xét nghiệm ra kết quả tốt nhưng điều đó không có nghĩa năm sau sẽ tốt, năm nay tầm soát ung thư trả kết quả bình thường nhưng năm sau có thể phát hiện ra khi khối u khi nó lớn hơn 9mm (theo giới hạn nhận biết của các thiết bị hiện tại). Xét nghiệm rồi điều trị chỉ là công đoạn phát hiện ra bệnh rồi chữa bệnh chứ không giúp chúng ta tạo ra được một cơ thể khoẻ mạnh, không có khả năng ngăn ngừa việc mắc bệnh...”
Và rồi vị bác sĩ đó đã nghỉ việc ở bệnh viện đại học lớn tại Nhật sau 16 năm làm việc. Ông học thêm về dinh dưỡng học phân tử (*) rồi lập ra Hiệp Hội Y Học Dự Phòng tại Nhật và dồn hết tâm huyết để phổ biến rộng rãi tri thức y học dự phòng của mình đến với người dân. Từ đó đến nay đã 20 năm, mọi thứ đã tốt dần lên, hàng ngàn người đã có ý thức chăm sóc sức khỏe dựa trên tri thức y học dự phòng hiện đại từ ông.
Trước đây, làm bác sĩ, một ngày ông khám chữa được vài chục bệnh nhân, bây giờ mỗi ngày tri thức của ông, hệ thống kiểm tra cơ thể của ông đến được với hàng trăm, hàng ngàn người, giúp họ xây dựng cho mình một cơ thể khoẻ mạnh, tránh được bệnh tật.
Và ông đang rất hạnh phúc vì … số lượng bệnh nhân của mình ngày càng ít đi.
Tôi không phải là bác sĩ nhưng tôi cũng giống như ông, mong muốn mọi người được khoẻ mạnh, giảm chi phí chữa bệnh, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Gần 10 năm làm Healthcare ICT tại Nhật, được làm việc với nhiều cơ sở y tế, tiếp xúc với nhiều bác sĩ, healthcare leaders từ các tập đoàn y tế và giờ đây khi đọc những dòng tâm sự 20 năm về trước của ông, tôi có sự đồng cảm sâu sắc.
Tôi nghĩ y học dự phòng chưa thể hiện hết được ý nghĩa quan trọng của nó, chưa được mọi người đánh giá đúng, đón nhận và áp dụng cho việc nâng cao sức khỏe cá nhân.
Tôi nghĩ kiến thức chuyên môn, kết hợp với dữ liệu y tế cá nhân và sự giám sát sẽ là chìa khoá để phổ biến rộng rãi, bình thường hoá y học dự phòng. Cảm ơn ông đã giúp tôi thêm một lần nữa khẳng định được hướng đi của mình. Và câu chuyện của OmiCare đã bắt đầu từ đây, từ những lời tâm sự 36 năm tuổi nghề của ông.
(*) Dinh dưỡng học phân tử (Orthomolecular Nutrition) là một môn học nghiên cứu về ảnh hưởng của dinh dưỡng lên cơ thể ở mức độ phân tử phía hấp thụ dinh dưỡng.